Còn vọng tiếng gáy xưa


Những ai từng sống ở trong cảm giác thân thuộc với tiếng gà gáy mỗi ngày mới thấu hiểu cảm giác hẫng hụt khi tới những phố thị đất chật người đông.

 

Cái chất nhà quê trong mỗi con người đất Việt đều ít nhiều gắn với âm thanh của tiếng gà gáy. Cái âm thanh thân thuộc, da diết ấy nằm sâu trong tiềm thức từ những ngày thơ bé. Đến khi trưởng thành đi qua nhiều vùng đất, bất chợt tiếng gà vang lên từ một góc xa xôi nào đó cũng đủ khiến ta thổn thức nhớ nhung cái hồn quê cũ.

 

Từ xa xưa, con gà đã là một sinh vật gần gũi với người dân Việt Nam, được nhắc đến nhiều trong văn học nghệ thuật cũng như trong tín ngưỡng dân gian. Vào thuở sơ khai khi con người chưa sáng chế ra đồng hồ, tiếng gà gáy sáng coi như quyền năng làm cho mặt trời mọc, là tiếng báo thức để người nông dân thức dậy chuẩn bị công việc đồng áng. Tiếng gà gáy còn báo hiệu sự yên ả thanh bình của ngày mùa bận rộn và đủ đầy.

 

Người Việt quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: Văn – võ – dũng – tín – trí, trong đó “tín” là chỉ việc gáy đúng giờ. Mỗi ngày đủ ba thời điểm: sáng (giờ Dần từ 3 giờ đến 5 giờ) trưa (giờ Ngọ từ 11 giờ đến 13 giờ) và xế chiều (giờ Dậu từ 17 giờ đến 19 giờ), những chú gà trống đều cất vang tiếng gáy đều đặn đánh dấu những thời khắc quan trọng nhất trong ngày.

 

Buổi sáng tiếng gà gáy thường hối hả như báo hiệu ngày mới bắt đầu, buổi trưa thì xa xôi, quạnh vắng và buổi chiều thì gây cho người nghe cảm giác nao lòng… Chim kêu có buổi, còn gà hầu như gáy suốt bốn mùa mà âm hưởng mỗi mùa mỗi khác. Mùa xuân tiếng gáy tươi tắn hớn hở, mùa hạ thì day dứt như nhớ nhà, mùa thu thì kiêu bạc mơ hồ và mùa đông lại gây cảm giác đìu hiu buồn bã.

 

Âm vực của gà gáy cũng rất cao và khỏe, khác biệt hẳn với tiếng cuốc, tiếng oanh hay tiếng nhạn – là những loài biết gáy đã đi vào trong thơ ca. Tiếng gà gáy cõ lẽ là âm thanh trữ tình nhất, gợi nhiều cảm xúc nhất cho người nghe. Nó dễ khiến cho người ta nao lòng nhất là với những kẻ ly hương.

 

Có tiếng gà làm người nao nao. Lại có tiếng gà làm người quặn nhớ tình nhân. Rồi lại có tiếng gà lay động thời thơ ấu trong lòng người tuổi tác. Lạ lùng và gợi cảm giác xúc động nhất là tiếng gà ban trưa. Lưu Trọng Lư có lẽ là người đầu tiên chú ý đến cảm giác khuấy động này, đến nỗi phải thốt lên “Xao xác gà trưa gáy não nùng”. Cái âm thanh trong buổi trưa xế, khi người ta đang nghỉ ngơi giữa ngày sao mà khiến người ta cảm hoài. Tiếng gà gáy thân thuộc ấy khơi dậy cái gốc gác thôn quê từ tiềm thức những con người Việt Nam.

 

Những ai từng sống ở trong cảm giác thân thuộc với tiếng gà gáy mỗi ngày mới thấu hiểu cảm giác hẫng hụt khi tới những phố thị đất chật người đông. Cái âm thanh trữ tình kia trở nên xa xỉ và hiếm hoi. Tìm đâu ra những làng trong phố, tìm đâu ra tiếng gà trưa gáy khan rã rời, tìm đâu ra những buổi sáng bắt đầu bằng một tiếng gà mạnh mẽ ngân vang? Thổn thức lắm!

 

Thành phố

Không nuôi nổi một tiếng gà

bỏ vầng trăng đi lạc…

Thành phố đói trăng

đầy tiếng gà vào cổ tích”

(Lối về – Tôn Phong)

 

Người ta quen dần với những âm thanh tân tiến khác. Người ta thậm chí có thể chế tạo ra dụng cụ báo thức phát ra âm thanh như tiếng gà gáy. Nhưng vô cảm và lãnh đạm. Chẳng có ai sầu muộn vì thứ âm thanh điện tử đó, dẫu có đang là ban trưa. Những tiếng gà gáy cứ thưa dần thưa dần rồi như biến vào cổ tích. Những đứa trẻ lớn lên ở thành phố xa lạ với âm thanh ấy.

Chỉ tới khi vô tình lạc vào phố phường những chú gà quê được đem bán mà buồn tình gáy chơi, thì người ta mới lại thấy xốn xang trong dạ. Những mảnh hồn hoài cổ dâng lên cảm giác vời vợi nhớ thôn quê.

 

Có lẽ trong nỗi lòng mỗi con người ta đều tiềm tàng âm hưởng của tiếng gà gáy, đều hàm chứa một chút nhà quê như Hoài Thanh từng nói chăng? Những thời khắc chạy đua với thời gian trong xã hội hiện đại này khiến chúng ta xa dần cái chất nhà quê ấy. Được nghe lại tiếng gà gáy xao xác thì ngay lập tức trong lòng mình nghe như có tiếng ngân của một dây đàn đứt, và cái hồn quê cũ lại trở về.

 

Vẫn biết mỗi ngày mỗi thay đổi, sự biến chuyển từ làng ra phố là chuyện đương nhiên và cần thiết. Thế nhưng, lòng người vẫn không nguôi nhớ tiếc cái âm thanh đặc biệt vừa mạnh mẽ vừa da diết vang lên như nhắc nhở người ta về những thời khắc đặc biệt trong ngày. Tiếng gà gáy vọng trong ký ức thôi thúc mãnh liệt người ta tìm về những miền quê mơ mộng, nơi có những khuôn mặt chất phác, hồn nhiên như bao đời nay vẫn thế.

(Bài viết của chị Angelique Thánh Thiện )